• Zalo

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: 'Chọn hoa hậu để kiếm tiền là làm mất giá trị của phụ nữ'

Hoa hậuThứ Tư, 09/11/2022 10:18:00 +07:00Google News
(VTC News) -

"Sao lại đem con người ra để thương mại hoá? Nói tìm hoa hậu để kiếm tiền là người ta đang làm mất giá trị của phụ nữ", "cha đẻ" của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam nói.

Tình trạng "loạn" thi hoa hậu và những lùm xùm từ Miss Grand International - một trong những cuộc thi nhan sắc quốc tế lớn - gần đây khiến dư luận nhiều lần đặt câu hỏi: Tìm kiếm hoa hậu để làm gì? Phải chăng các cuộc thi hiện nay không nhằm đến cái đẹp nữa khi chọn người giữ vương miện?

Hoa hậu 'phải kiếm được nhiều tiền'

Cộng đồng fan sắc đẹp gần đây sôi sục khi ông Nawat Itsaragrisil - Chủ tịch Miss Grand International nói về tiêu chí và cách thức mà ông áp dụng để tìm ra hoa hậu: "Hoa hậu được chọn phải là người sẵn sàng làm việc và có thái độ tốt. Cô ấy phải làm được mọi thứ một mình. Tổ chức của chúng tôi không chọn Hoa hậu theo hội đồng giám khảo. Tôi không tin tưởng vào họ bởi vì họ chỉ nhìn thấy các cô gái trong vài tiếng trên sân khấu. Chúng tôi lựa chọn theo ý kiến của các nhân viên làm việc tại Miss Grand International và đồng hành xuyên suốt cùng các thí sinh".

Đặc biệt, tuyên bố sau của ông càng khiến công chúng sốc và bất bình: "Tổ chức của tôi, tiền của tôi bỏ ra, bởi vậy tôi phải là người đưa ra quyết định cuối cùng để kiếm được hoa hậu có năng lực giúp tôi kiếm tiền...".

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: 'Chọn hoa hậu để kiếm tiền là làm mất giá trị của phụ nữ' - 1

Theo lời ông Nawat, Thùy Tiên là hoa hậu mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho cuộc thi Miss Grand International từ trước đến nay.

Thể hiện sự tâm đắc với tiêu chí "hoa hậu phải biết kiếm tiền" của mình, ông Nawat "khoe" về giá trị thương mại của Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên - người đẹp Việt Nam  đăng quang Miss Grand International 2021: "Tiên không phải cô gái đẹp nhất năm ngoái. Tất nhiên Tiên cũng thuộc nhóm 5 hoặc 10 cô gái xinh xắn nhất, hơn thế nữa, Tiên luôn sẵn sàng làm việc. Từ lúc đăng quang đến nay, Tiên đã nhận được hợp đồng quảng cáo của những nhãn hàng lớn, giúp hãng nâng cao doanh số bán hàng".

Chủ tịch Miss Grand International cho biết thu nhập của Thùy Tiên sau 3 tháng đăng quang là 100 triệu Baht (khoảng 61 tỷ đồng) nhờ độ phủ sóng diện rộng trong các chương trình truyền hình, quảng cáo. Ông cũng từng khẳng định Thùy Tiên là hoa hậu mang lại lợi nhuận lớn nhất cho cuộc thi Miss Grand International từ trước đến nay. Cô đã mang về cho tổ chức Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 100 triệu baht (khoảng 70 tỷ đồng) chỉ sau vài tháng đăng quang. Mặc dù sau đó, phía Hoa hậu Thùy Tiên lên tiếng phủ nhận, cho biết cô không kiếm được nhiều như vậy, nhưng tiêu chí rõ ràng mà ông chủ tịch nêu ra đã khiến cho Miss Grand International được biết đến là cuộc thi tìm mỹ nhân "cày" tiền cho ông trùm.

Việc Nawat công khai tuyên bố "hoa hậu phải có năng lực giúp tôi kiếm tiền" không chỉ làm giảm giá trị cuộc thi do ông tổ chức mà còn góp phần "dìm" các cuộc thi nhan sắc nói chung trong mắt công chúng, vốn đã nghi ngờ về ý nghĩa của việc thi hoa hậu khi có quá nhiều vương miện được trao mỗi năm. 

'Sao lại đem con người ra thương mại hóa?'

Tại Việt Nam lâu nay, việc tìm kiếm hoa hậu được xem là cách tôn vinh cái đẹp, tôn vinh giá trị chân, thiện, mỹ. Nhan sắc được tôn vinh phải đi kèm với nét đẹp của trí tuệ, tâm hồn, đến văn hóa trong lối sống và ứng xử để có thể trở thành đại diện cho người phụ nữ Việt Nam, thành người truyền cảm hứng để lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cuộc thi cấp quốc gia đầu tiên được tổ chức năm 1988 mang tên Hoa hậu Báo Tiền Phong (tiền thân của Hoa hậu Việt Nam). Sau 34 năm, số cuộc thi nhan sắc được tổ chức mỗi năm ngày càng nhiều, nhưng tiêu chí chọn người chiến thắng lại được đánh giá là ngày càng mờ nhạt, na ná nhau và tính thương mại hóa ngày càng rõ rệt. 

Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh, người sáng lập cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong cho biết, để có cơ hội giành vương miện trong cuộc thi này, các cô gái phải mang vẻ đẹp hài hòa giữa các chỉ số nhân trắc học, giữa vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp của đạo đức, cách ứng xử, sự hiểu biết… Với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, tiêu chí này vẫn được giữ nguyên.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: 'Chọn hoa hậu để kiếm tiền là làm mất giá trị của phụ nữ' - 2

Bùi Bích Phương - người đẹp đầu tiên giành vương miện Hoa hậu Báo Tiền Phong.

Tuy nhiên, ông Dương Kỳ Anh cũng nhận xét, mục đích của các cuộc thi hoa hậu vốn là tôn vinh cái đẹp, nhưng ngày nay không ít cuộc thi được tổ chức với nhiều  mục đích khác nhau và cái đẹp không được đặt lên hàng đầu.

"Mục đích của đa số các cuộc thi hoa hậu ngày nay đang có dấu hiệu thương mại hoá. Thời của tôi, mục đích quan trọng nhất của các cuộc thi nhan sắc chính là tôn vinh vẻ đẹp, định hướng cái đẹp cho tuổi trẻ. Tại sao lại có chuyện đem con người ra để thương mại hoá? Khi nói tìm hoa hậu để kiếm tiền là người ta đang làm mất giá trị của phụ nữ và các cuộc thi uy tín. Thời chúng tôi không hề có suy nghĩ này, nhiều cuộc thi thậm chí bỏ tiền tỷ tổ chức nhưng không hề lãi một đồng. Tôi hoàn toàn không đồng tình và rất buồn về tình trạng các cuộc thi đang thương mại hoá như hiện nay", ông Dương Kỳ Anh chia sẻ.

Về sự khác biệt lớn nhất về tiêu chí các cuộc thi sắc đẹp xưa và nay, ông nói: "Tiêu chí chọn hoa hậu trước đây là cô gái phải có vẻ đẹp tự nhiên và hài hoà giữa hình thể, sự hiểu biết, nhân cách. Đó là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên ở thời điểm hiện nay, tiêu chí của cuộc thi đã được nới lỏng hơn khi chấp nhận các người đẹp can thiệp thẩm mỹ. Một cuộc thi phải có sự công bằng giữa những cô gái miền quê lẫn thành thị, vì vậy tôi nghĩ không nên áp dụng tiêu chí chấp nhận 'dao kéo' vào các cuộc thi nhan sắc".

Ông Dương Kỳ Anh nhận xét, không chỉ tại Việt Nam mà các cuộc thi nhan sắc trên thế giới cũng đang khá "loạn". "Đến thời điểm này thì Miss World vẫn là cuộc thi uy tín mà tôi quan tâm nhất. Những cuộc thi khác với tôi hầu như không có giá trị", ông nói thêm.

Ngoại hình không còn là tiêu chí hàng đầu

Có cùng nhận định nhiều cuộc thi nhan sắc đang bị thương mại hoá, chuyên gia đào tạo người đẹp Phúc Nguyễn - nhà sáng lập Leading Media, đơn vị nắm giữ bản quyền cuộc thi Miss Supranational 2022, bày tỏ với VTC News rằng về quan điểm chuyên môn, ông không chấp nhận quan điểm "chọn hoa hậu để kiếm tiền".

"Khi nói ra tiêu chí tìm hoa hậu để kiếm tiền thì sẽ khiến cho các cuộc thi sắc đẹp bị thương mại hoá. Điều này làm tổn thương đến những người tổ chức các cuộc thi nghiêm túc cũng như các thí sinh", chuyên gia Phúc Nguyễn nói. Nhà sáng lập Leading Media cho rằng, ông Nawat không sai khi đứng ở góc độ nhà kinh doanh, vì ông coi cuộc thi của mình là nơi để kinh doanh chứ không phải tôn vinh cái đẹp.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: 'Chọn hoa hậu để kiếm tiền là làm mất giá trị của phụ nữ' - 3

 "Ông bầu" Phúc Nguyễn: "Hoa hậu vẫn phải là một biểu tượng sắc đẹp, trí tuệ". 

"Mỗi tổ chức có những tiêu chí riêng để lựa chọn hoa hậu. Tuy nhiên quan điểm của tôi từ trước tới nay là hoa hậu vẫn phải là một biểu tượng sắc đẹp, trí tuệ, có tiếng nói chung để xây dựng các hoạt động cộng đồng", "ông bầu" Phúc Nguyễn nói.

Theo chuyên gia này, hiện tại ngoại hình không còn là tiêu chí hàng đầu để chọn hoa hậu: "Khi đã qua được vòng sơ tuyển nghĩa là mọi thí sinh đều đã đủ tiêu chuẩn về nhan sắc. Ngoại hình lúc này không còn quá quan trọng mà cái cần là trí tuệ. Trong mỗi vòng thi, ban giám khảo đều biết họ mong đợi gì và chấm gì ở thí sinh. Ngày xưa có thể nhan sắc là thứ được ưu tiên nhưng hiện tại thì đẹp thôi chưa đủ. Các người đẹp phải trải qua hàng loạt vòng thi như phỏng vấn, ngoại ngữ... Vẻ đẹp về trí tuệ vẫn được ưu tiên hàng đầu". 

Ông Phúc Nguyễn cũng cho biết, tiêu chí để chọn người đẹp đăng quang hoa hậu hiện nay cũng không còn theo quan điểm đẹp của riêng quốc gia mà phải là vẻ đẹp được quốc tế ưa chuộng. Ví dụ rõ ràng nhất là trước đây chúng ta đưa những người đẹp theo chuẩn Việt Nam đi thi nhưng thường không có được vị trí cao, thí sinh được ủng hộ nhiều trong nước thì khi ra thế giới lại không có thứ hạng. Do đó các cuộc thi hiện nay đang thay đổi để tiệm cận với tiêu chí của quốc tế. 

Về tình trạng loạn hoa hậu, Phúc Nguyễn bày tỏ quan điểm: "Cái gì một khi đã lên đến con số quá nhiều thì sẽ không còn giá trị, các cuộc thi hoa hậu ngày nay cũng vậy. Tuy nhiên nếu nhìn ở mặt tích cực thì đây chính là động lực để những đơn vị tổ chức uy tín phấn đấu, gây dựng các cuộc thi của mình vững mạnh hơn. Đây cũng là một cách để thanh lọc những đơn vị nào làm chưa tốt và có dấu hiệu thương mại hoá. Chúng ta cần đem những chiếc vương miện về đúng giá trị của nó".

Tùng Thanh
Bình luận
vtcnews.vn